Mục lục
Cuối năm 2023, trong dự thảo hồ sơ xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), Bộ Công thương đề xuất ĐMTMN có liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, sản lượng dư không bán cho tổ chức, cá nhân khác, bao gồm bán cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Nếu phát lên lưới cũng chỉ được ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng.
Mới đây, tại cuộc họp báo cáo về dự thảo nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã thay đổi quan điểm và cho rằng một trong những chính sách quan trọng để khuyến khích phát triển nguồn ĐMTMN là cho phép các nguồn điện này được liên kết và phát công suất dư thừa lên lưới điện quốc gia với mức giá theo thời điểm; cho phép lắp đặt ĐMTMN không cần theo Quy hoạch điện 8; hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ điện.
Đặc biệt, tại cuộc họp, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư ĐMTMN là chủ trương nhất quán. Chẳng hạn, với hộ dân, công sở, tòa nhà văn phòng... lắp đặt ĐMTMN để tự sản, tự tiêu, không kinh doanh thì xây dựng những bộ hồ sơ mẫu, đơn giản hóa tối đa thủ tục, trừ những công trình có yêu cầu đặc biệt về an toàn, phòng cháy, chữa cháy.
Với doanh nghiệp đầu tư ĐMTMN để sử dụng, đồng thời lắp đặt thêm thiết bị lưu trữ điện năng thì cần đưa ra mức giá hợp lý, cùng phương án hỗ trợ về tài chính, lãi suất, thuế... Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý: "Phải tính toán kỹ quy mô phát triển ĐMTMN và chính sách khuyến khích, hỗ trợ kèm theo trên cơ sở khoa học kỹ thuật, thiết bị công nghệ, lưới truyền tải, hiệu quả kinh tế; bảo vệ lợi ích lâu dài của nhà đầu tư; chú trọng bảo vệ môi trường".
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình nhận xét đề xuất cho phát ĐMT lên lưới và có trả tiền, thậm chí lắp đặt không cần theo Quy hoạch điện 8 là mới hoàn toàn và "hơi lạ". Chính sách này có thể thêm ràng buộc đầu tư pin lưu trữ. Bởi trong bối cảnh hiện nay, ĐMTMN tại khu vực phía nam đang thừa công suất ban ngày, tiêu thụ ngay trong ngày nắng nóng ở miền Nam thì vào khung giờ trưa vẫn bị "lõm" mất 2 tiếng đồng hồ (từ 11 - 13 giờ), do giờ nghỉ, sản xuất ngưng, nhu cầu dùng điện giảm. Thế nên, cho dù ĐMT phát ban ngày dồi dào đi chăng nữa, điện than vẫn phải chạy song song trong ngày.
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình nhấn mạnh: "Công cụ ràng buộc cho chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN theo họp bàn dự thảo mới đây giữa Bộ Công thương và Chính phủ, tôi hiểu đó là phải đầu tư pin dự trữ. Ban ngày dùng không hết, tích trữ vào pin để tối dùng, phát lên lưới. Muốn vậy, nhà đầu tư làm ĐMTMN phải lắp pin với chi phí pin dự trữ đắt gấp 2 - 3 lần giá tấm pin năng lượng mặt trời. Vấn đề nan giải là ở đó. Thế nên trong đề xuất, Bộ cũng nói rõ là hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ điện".
TS Trần Đình Bá (Hội Khoa học kinh tế VN) nêu quan điểm việc đầu tư thêm pin dự trữ hay không là quyền của người làm điện nên không "ràng buộc" với những hộ gia đình muốn làm ĐMTMN và bán sang cho hàng xóm qua lưới điện quốc gia. Vì thế, trước mắt, cởi trói cho tư nhân làm ĐMTMN và có thể phát để bán sang hàng xóm, cho những ai cần là giúp tăng kinh tế hộ gia đình, giải quyết vấn đề thiếu hụt điện năng. Hơn nữa, giải pháp kỹ thuật đối với ĐMTMN hòa lưới khá đơn giản, không quá phức tạp.
"Giải pháp tôi đề nghị trước đây là mở cửa cho người dân làm ĐMTNM, xây dựng ngân hàng điện năng để tích trữ, không nên để mỗi người dân đầu tư làm ĐMTMN, phải đầu tư thêm thiết bị pin lưu trữ rất tốn kém. Chính sách bán điện cho hàng xóm lên lưới lẽ ra phải có từ lâu rồi, sau khi chính sách giá FIT hết thời hạn, tôi nghĩ cơ quan quản lý nợ người dân, nhà đầu tư và Chính phủ một cơ chế giá ĐMT áp mái quá lâu", ông Bá nói.
Trong thực tế, nhu cầu đầu tư làm ĐMTMN của người dân rất lớn, đặc biệt là cơ chế đầu tư bán sang hàng xóm được nhiều nước áp dụng, trong nước mong ngóng. Với các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu, nhu cầu được dùng năng lượng sạch để có công nhận "sản xuất xanh" gần như yếu tố bắt buộc trong xuất khẩu tại một số thị trường, nên nhu cầu đầu tư ĐMTMN cũng vô cùng cấp bách.
Việc lần đầu tiên Bộ Công thương đề xuất cho làm ĐMTMN thoải mái, vượt quy hoạch… được chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), đánh giá là một tư duy cởi trói chính sách rất đáng hoan nghênh. "Trước đây, Bộ Công thương từng đề xuất ĐMT người dân đầu tư theo hình thức tự sản, tự tiêu, nếu dư phát lên lưới cũng chỉ được ghi nhận 0 đồng khiến nhà đầu tư ĐMT bất bình, hoang mang. Nên đề xuất mới này là một tiến bộ lớn của nhà quản lý điều hành. Tuy vậy, để đề xuất này đi vào nghị định, rồi vào thực tế còn chờ rất lâu.
Trong khi đó, nguồn năng lượng mặt trời dư thừa không được sử dụng, rất lãng phí. Thế nên, trước mắt, để ngăn chặn thiếu điện, tránh lãng phí thì cần cho mua bán điện cho hàng xóm, trong các khu công nghiệp… ĐMTMN của hộ gia đình được nối lưới, lắp công tơ 2 chiều là được. Việc mua bán giữa các hộ trong khu vực sòng phẳng qua công tơ. Trước đây, EVN không khuyến khích việc này vì sợ quá tải, dễ xảy ra sự cố với đường dây. Nay có thể lưới đã được giải quyết nên Bộ Công thương mới có đề xuất này. Nên có cơ chế ngắn gọn, ban hành nhanh nhằm tận dụng nguồn ĐMT sẵn có càng sớm càng tốt, trước khi có nghị định khuyến khích phát triển cho các dự án tương lai", ông Lâm nói.
Về lâu dài, theo chuyên gia Ngô Đức Lâm, cần có luật Năng lượng tái tạo để việc đầu tư, sử dụng ĐMT thế nào mới có nhà đầu tư tư nhân tham gia nhiều hơn, quyền lợi của họ cũng được bảo vệ và rõ ràng hơn.
Bộ Công thương cho biết hồ sơ đề xuất xây dựng nghị định Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà nếu được Chính phủ thông qua, từ tháng 5 - 7.2024, Bộ Công thương sẽ triển khai công tác soạn thảo nghị định, lấy ý kiến góp ý (ít nhất trong 60 ngày); tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo nghị định. Dự kiến đến tháng 8 Bộ Công thương sẽ trình Bộ Tư pháp thẩm định (thời hạn thẩm định 15 ngày), hoàn thiện dự thảo nghị định sau thẩm định. Tháng 9 báo cáo Chính phủ để Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, tháng 10 sẽ hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị định quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Nếu được ban hành, tháng 12.2024, nghị định sẽ có hiệu lực áp dụng.
Theo Báo Thanh Niên